Trang chủ danh hoa
Họa sĩ TRẦN MAI-Cả đời vẽ tranh cổ động
Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015
Ở Việt Nam, ông là họa sĩ cả đời chỉ vẽ tranh cổ động. 80 tuổi, hơn 40 năm cầm cọ, ông hiện có một sưu tập hàng trăm tranh cổ động. Ông là họa sĩ Trần Mai, người từng lập "kỷ lục" mỗi ngày vẽ 1 bức tranh cổ động suốt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Họa sĩ Trần Mai quê gốc ở Thái Bình, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông không được học qua một trường lớp chính quy về mỹ thuật nào nhưng say mê vẽ từ nhỏ. Xưa, nhà ở tận bãi Phúc Tân, hằng ngày, cậu bé Mai vẫn thường cuốc bộ vào nội thành học vẽ.
Cũng nhờ học "lỏm" mà cậu nắm được yếu tố cơ bản của hội họa: hình họa, mầu sắc, bố cục trang trí... 9 năm kháng chiến, Trần Mai theo gia đình đi tản cư, nhưng dẫu có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vẫn không bỏ về. Sau 1954, hòa bình lập lại, người ta cũng bắt đầu biết đến tranh cổ động của Trần Mai. Năm 1957, Trần Mai được kết nạp vào Hội Mỹ thuật VN.
Cũng nhờ tài vẽ tranh cổ động, Trần Mai được nhận vào làm ở Sở Bưu điện Hà Nội và gắn bó với "nghề" vẽ tranh cổ động gần 30 năm cho đến khi về nghỉ hưu. Những năm Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền bắc là thời gian ông phải làm việc liên tục. Nhiều người dân Hà Nội ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm thời đó còn nhớ, cứ mỗi sáng, trên tường nhà Bưu điện Hà Nội lại xuất hiện một tấm pa-nô lớn vẽ những chiếc máy bay B52, những "thần Sấm" của Mỹ bị quân dân ta bắn rơi. Đó vừa là tấm pa-nô tuyên truyền, vừa như bảng thông tin về thắng lợi của quân dân miền bắc.
Thuở ấy, ít nhà có đài mọi người chỉ nghe thông tin chiến sự qua loa truyền thanh và những tấm pa-nô như thế. Và hằng đêm, Trần Mai vẫn cặm cụi vẽ để đến sáng sớm hôm sau lại cùng anh em ở Sở Bưu điện đem tranh ra treo. Những đêm còi báo động, ông vẫn vẽ dưới ánh đèn dầu leo lét. Khi nghe tiếng máy bay ầm ào trên đầu thì vội chui xuống dưới chiếc ghế ngựa chứ không chịu ra hầm trú ẩn. Ông bảo, giờ ngẫm lại mới thấy mình liều, nhưng thời chiến, cuộc sống là như thế.
Có một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời họa sĩ Trần Mai. Năm 1959, khi nghe tin Mỹ-Diệm tàn sát đồng bào ta ở Phú Lợi, Hội Mỹ thuật VN đã vận động anh em họa sĩ Hà Nội vẽ tranh xuống đường. Chỉ sau một đêm, Trần Mai và các anh em đã vẽ xong hàng chục tranh lên án tội ác của giặc. Ông Mai kể, sáng sớm, các họa sĩ, trong đó có cả Trần Văn Cẩn đã tập trung rất đông ở trụ sở 51 Trần Hưng Đạo để mang tranh tuần hành khắp các đường phổ trung tâm Hà Nội. Tranh vẽ vội, chỉ kịp bồi trên những tấm cót, cái to, cái bé... nhưng đó là tiếng nói phản đối tội ác Mỹ-Diệm của giới họa sĩ thủ đô. Một số trong những tác phẩm này nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.
Hơn 40 năm miệt mài sáng tạo, họa sĩ Trần Mai có một bộ sưu tập các giải thưởng quốc tế: giải ba cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm Chiến thắng Moncada (Cuba) - năm 1978, giải ba cuộc thi tranh cổ động quốc tế tại Liên Xô (cũ) - năm 1984, giải vàng Festival TNSV Thế giới tổ chức tại Bình Nhưỡng - năm 1989...
Tranh cổ động của họa sĩ Trần Mai được sử dụng rộng rãi ở trong nước, qua 6 kỳ Đại hội Đảng (từ Đại hội IV-IX) ông đều có tranh chào mừng. Ông vui không chỉ vì tranh của ông được phổ biến rộng rãi mà còn bởi qua từng ấy năm ông còn được sống, và còn được vẽ...
Năm nay 80 tuổi, họa sĩ Trần Mai vẫn tiếp tục vẽ tranh mỗi ngày. Ông bảo, ngày nào còn khỏe, ông còn tiếp tục vẽ.
(Theo Văn hóa & Thể thao)
Nhận xét[ 0 ]
Đăng nhận xét