Trang chủ co dong st
NHỮNG GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG CỦA NGƯỜI
Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015
Tác phẩm của họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh
Ngày 19/5/2015 là tròn 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cái tên Bác Hồ gần gũi với mọi người dân Việt Nam. Đây là dịp để cả đất nước cùng kỷ niệm, tưởng nhớ và quan trọng là tiếp tục phấn đấu học tập, làm theo tấm gương và những giá trị tư tưởng cao cả, tốt đẹp của Người đã để lại. Cùng hòa trong không khí ấy, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành tổ chức triển lãm tranh cổ động về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Triển lãm đã diễn ra từ ngày 11 đến 20/5/2015 và khai mạc chiều ngày 11/5 với sự tham gia đông đảo của công chúng. Có lẽ tranh cổ động được xem là lựa chọn thích hợp để trưng bày nhân dịp này bởi chính sự đơn giản, gần gũi, sâu sắc mà vẫn truyền tải được những thông điệp về nhân cách vĩ đại và giá trị tư tưởng tốt đẹp của Hồ Chí Minh đến với công chúng. Toàn bộ 63 tác phẩm của 39 tác giả, là những tác phẩm chọn lọc của các họa sĩ sáng tác trong nhiều năm qua nằm trong Bộ sưu tập Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bộ sưu tập của những Bảo tàng lớn về Mỹ thuật và Lịch sử và cả những tác phẩm mới được sáng tác trong thời gian vừa qua. Phòng tranh được trưng bày ngay tại tầng 1 nhà triển lãm, thuận tiện cho người dân tham quan triển lãm. Tranh trình bày giản dị, nhưng vẫn đẹp và thu hút người xem ngay từ phía ngoài nhà triển lãm.
Tác phẩm của họa sĩ Lưu Yên Thế
Đề tài và thông điệp xuyên suốt của triển lãm thông qua những bức tranh cổ động là làm nổi bật thêm nhân cách con người và những giá trị tư tưởng của Người. Có thể chia nhỏ những đề tài nhỏ hơn như: Bác Hồ với đất nước và dân tộc; Bác Hồ và thiếu nhi, nhi đồng cả nước; Bác Hồ và nhân dân, công nhân, nông dân…; Chân dung của Bác đi kèm cùng những câu nói và lời dạy của Người. Chất liệu sử dụng ở các tác phẩm chủ yếu vẫn là tranh bột màu, tranh in với khổ tranh dọc là 54x79cm và khổ ngang 60x80cm.
Hình tượng Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc được thể hiện khá sinh động tại triển lãm. Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Xuân Thủy là hình ảnh chân dung của Bác mắt nhìn ra xa, trên nền dải đất hình chữ S màu đỏ, phía dưới chân dung là các đóa sen biểu tượng cho dân tộc Việt Nam và phía trên là đôi chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình, đi kèm câu nói “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, mang hàm ý Bác luôn mong muốn tìm kiếm hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc mình. Tranh họa sĩ Nguyễn Duy Lẫm với hình tượng Bác lồng ghép với cánh chim bồ câu mang màu sắc cờ đỏ sao vàng trên nền trống đồng, phía dưới là hình ảnh đất nước đang đổi thay với những tòa nhà đang được xây dựng như Bác đang được chứng kiến sự đổi thay của đất nước. Bên cạnh đó, hình ảnh cờ đỏ sao vàng kết hợp với biểu tượng búa liềm cũng được đa số họa sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình. Điều ấy chứng tỏ, con đường mà Đảng ta chọn và đi cho đến nay vẫn đang đúng theo con đường mà Bác chọn, một con đường sẽ dẫn dân tộc ta tới tương lai ấm no và hạnh phúc hơn.
Tác phẩm của họa sĩ Phùng Anh Bản
Họa sĩ Phùng Anh Bản có một bức tranh cổ động khá đẹp và đầy ý nghĩa với đề tài Bác Hồ và nhân dân nói chung, nông dân nói riêng. Tác phẩm đã khắc họa rõ nét hình ảnh vị chủ tịch không ngại khó, ngại khổ và ngại bẩn xắn quần, xắn tay áo đi những bước cày với nông dân cùng với lời dặn: “Đạo đức cách mạng là hòa bình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe quần chúng …” . Hay như tranh của Đỗ Như Điềm, tạo hình Hồ Chí Minh gắn liền với đồng ruộng, và người nông dân, trên môi Bác luôn nở nụ cười thân thiện, dù chân lấm tay bùn nhưng người xem vẫn có thể thấy một cốt cách giản dị nhưng vẫn toát lên sự vĩ đại của vị chủ tịch nước.
Nhắc đến Người, chúng ta hay liên tưởng đến hình ảnh Sen, với câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Qua đó, các họa sĩ Phạm Ngọc Mạnh, Trương Ngọc Hiên, Đỗ Trung Kiên, Lưu Yên Thế, Nguyễn Công Quang, Vũ Đình Lương, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Xuân Thủy,… đã khéo léo sử dụng hình tượng Sen trong tác phẩm của mình, làm tôn thêm vẻ đẹp của Người.
Các họa sĩ dự khai mạc triển lãm
Cũng không thể không nhắc đến những câu nói của Bác và những khẩu hiệu được lồng ghép vào những bức tranh cổ động. Đó là những lời căn dặn, những câu nói mang đậm tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm và tâm huyết của Người với dân tộc và non sông Việt Nam như: “Trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân vì nhân dân quên mình”; “Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống như thế nào để đưa chiếc thuyền tổ quốc vượt khỏi những cơn song gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân”; Và cả những khẩu hiệu như: “Cán bộ Đảng viên học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Sống bình dị, sống gần dân, sống cuộc sống của dân; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM: tuổi trẻ Việt Nam rèn đức, luyện tài vì ngày mai”…
Triển lãm này là một hoạt động thiết thực của giới Mỹ thuật Việt Nam hưởng ứng “Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật theo chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta đã phát động và đang đi vào đời sống. Để từ đó các thế hệ hiện tại và mai sau nhận thức được rằng dù hàng chục năm hay hàng trăm năm nữa thì nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc.
Hoàng Chính
Nguồn: http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2015/6/4735.html
Nhận xét[ 0 ]
Đăng nhận xét